parallax background

VÀI ĐIỀU VỀ TÍN NGƯỠNG ĐI CHÙA CỦA NGƯỜI VIỆT NAM

6 Tháng Bảy, 2016

Mình không phải là một người có kiến thức sâu rộng về phật giáo, nhưng gần đây mình cũng đọc được một vài cuốn sách và thông tin liên quan đến phật giáo và thấy ở Việt Nam, phần lớn mọi người đều hiểu các vấn đề của đạo phật chưa thực sự đúng đắn. Nhận thức không đúng dẫn đến hành động sai, thậm chí đi ngược lại hoàn toàn lời dạy của Phật. Hiểu biết của mình tuy còn hạn hẹp về phật giáo, nhưng cũng xin chia sẻ một số điều sau đây để mọi người tham khảo:

Phật giáo cũng giống như các tôn giáo khác được sinh ra do sự bất lực của con người trong cuộc đấu tranh với tự nhiên và xã hội và nỗi sợ hãi sinh ra việc tin tưởng vào đấng thánh thần nào đó là người chi phối vũ trụ, có quyền định đoạt cuộc sống của con người. Tuy nhiên phật giáo ra đời không phải để thờ một vị thánh thần cụ thể nào mà là những lý luận mang tính triết học về nhận thức cuộc sống con người thông qua khái niệm Tứ diệu đế, với mục đích căn bản nhất của đạo phật là để giúp con người thoát khỏi sợ hãi về sự đau khổ. Tứ diệu đế không phải là 4 vị thần nào mà có thể hiểu là 4 chân lý gồm Khổ đế (chân lý về sự khổ); Tập đế (chân lý về sự phát sinh nỗi khổ); Diệt đế (chân lý về diệt khổ) và đạo đế (chân lý về con đường dẫn đến diệt khổ). Tứ diệu đế hướng con người đến cuộc sống an lạc, hạnh phúc bằng con đường tu tập để bỏ đi những tham (tham lam), sân (sân hận, hận thù, ganh ghét, đố kỵ), si (si mê, mu muội, u tối, vô minh)- nguyên nhân dẫn con người đến bể khổ. Con đường giải thoát được những ái dục và tham thủ ấy gọi là con đường dẫn đến giác ngộ. Ngoài đưa ra khái niệm về Tứ diệu đế, đạo phật còn đưa ra khái niệm Bát chánh đạo tức là những giáo lý cơ bản, là hướng dẫn, là chỉ dạy để giúp con người tu tập, sớm đạt được mục đích thoát khổ nói trên hay nói cách khác là đạt được cuộc sống viên mãn hạnh phúc.

Phật không phải là một đấng tối cao nào có thể ban phát ân huệ hay có quyền lực tối cao để có thể ban lợi lộc, công danh cho con người. Phật chính là con người đã được giác ngộ, đã thoát tục và tu thành chính quả, được sống ở nơi không còn vướng bận trần thế, gọi là cõi Niết Bàn.

Như vậy, hiểu đúng về đạo phật, chúng ta sẽ thấy những sai lầm trong quan điểm của đa phần người dân như sau:

+) Đi chùa cầu lộc, cầu tài, cầu danh vọng: Như trên đã nói, đạo phật hướng con người đến thoát khổ hay diệt khổ bằng động lực tự thân vì đạo phật là tín ngưỡng tự lực, nên theo quan niệm của đạo phật chính con người mới có thể tự giúp mình thoát khỏi bể khổ chứ không phải trông mong vào một ai hay thế lực siêu nhiên nào. Quan điểm này được thể hiện rõ và xuyên suốt trong phật giáo qua lý thuyết về luật nhân-quả. Theo đó, phật giáo cho rằng chúng ta gieo gì thì ắt sẽ gặt cái đó. Gieo ác gặp ác, gieo thiện gặp thiện. Vì vậy, những gì chúng ta có được, nhận được hôm nay chính là kết quả của những tư tưởng và hành động của chúng ta hôm qua và đồng thời cũng là nguyên nhân của những gì chúng ta nhận được ngày mai. Đạo phật cho rằng cuộc sống của chúng ta chỉ là một cuộc sống tạm, là sự kết nối giữa tiền kiếp và hậu kiếp, được nêu nên trong khái niệm gọi là luân hồi. Theo đó nhân quả sẽ đi theo chúng ta từ kiếp này sang kiếp khác chứ không phải chỉ trong kiếp hiện tại. Do đó, việc đi chùa cầu tài, cầu lộc hay danh vọng là hoàn toàn vô ích, bởi:

- Phật được thờ cúng tại chùa không phải là đấng tối cao có thể ban phạt danh, lộc hay tài

- Chính chúng ta và hành động của chúng ta từ kiếp trước đến kiếp này mới là nguyên nhân cho những gì chúng ta có được hiện tại

- Phật giáo hướng con người đến tu tập về tâm linh và tâm hồn, nghĩa là tu tập để sống vui vẻ và hạnh phúc chứ không phải để dạy con người cách kiếm tiền, kiếm danh, kiếm lộc

- Còn cầu danh vọng, quyền lực tức là con người còn chưa thoát khỏi u mê, chưa trút bỏ được “tham, sân, si”

+) Lên chùa dâng sao, giải hạn: Nói đến sao và hạn, cần hiểu sao và hạn là quan niệm của khoa học tử vi, trong đó thừa nhận khái niệm định mệnh hay số mệnh của con người. Tuy nhiên, phật giáo không thừa nhận sự tồn tại của tử vi hay định mệnh chính bởi quan điểm nhân quả như đã nêu ở trên. Tức là không có một đấng thần linh nào có thể định sẵn cho mỗi con người một bản mệnh tử vi mà cho rằng cuộc sống của con người tốt xấu thế nào là do chính bản thân tạo ra mà thôi. Nói cách khác nghiệp chướng là do chính con người tạo ra, và cũng chính con người mới có thể tự giải nghiệp được cho mình bằng con đường tu tập. Vì vậy, việc một số sư sãi ở chùa nhận dâng sao giải hạn là hoàn toàn đi ngược lại với quan niệm của phật giáo, mà nguyên nhân có thể là do:

- Bản thân sư thầy còn chưa hiểu rõ hay nhầm lẫn giữa các quan điểm về học thuyết phật giáo và khoa học tử vi hay niềm tin tâm linh hình thành trong dân chúng từ lâu đời

- Việc nhận dâng lễ để cầu an lạc ở các chùa đã làm cho người dân hiểu lầm rằng đó là dâng sao, giải hạn và lâu dần việc hiểu lầm gây ra nhiều tư duy và hành vi sai lầm trong dân chúng

+) Mang hương và thắp hương trong chùa: Thực ra theo quan điểm của phật giáo, hương được nhắc đến với khái niệm khác. Đạo phật cho rằng khi dâng các tịnh vật (vật phẩm cúng phật thanh tịnh), phật tử cũng cần thành tâm dâng luông 5 thứ hương thơm khác, gọi là ngũ hương, bao gồm: giới hương (hương thơm của người có đức hạnh, giới hạnh); định hương (hương thơm của người có định tâm); huệ hương (hương thơm của người đắc trí huệ); giải thoát hương (hương thơm của người đã biết mình đã được giải thoát); giải thoát tri kiến hương (hương thơm của người tâm an nhiên tự tại, lìa xa mọi sự chấp chước). Hương này hoàn toàn không phải bó nhang thẻ hương mà chúng ta vẫn thường dùng để cúng bái. Phải nói luôn rằng hương nhang không nằm trong quan niệm phật giáo mà là thói quen tâm linh của con người hình thành từ hàng nghìn năm trước công nguyên như một niềm tin rằng thẻ hương là sự kiên kết hay kết nối con người với các đấng thần linh hay những người đã mất đi. Và vì vậy con người cho rằng việc sử dụng tịnh hương tại chùa cũng là một hình thức kết nối con người với phật. Vì vậy, khi vào chùa, nếu trong chùa đã thắp hương chúng ta không nhất thiết phải mang hương vào chùa hoặc nếu được phép, chỉ cần dâng 1 nén nhang thơm thành tâm khấn phật là được, không nhất thiết phải thắp cả bó khiến khói hương nghi ngút vừa tránh lãng phí và ngộ độc cho mọi người. Điều quan trọng là chúng ta thành tâm khi đứng trước phật.

+) Gài tiền vào tượng phật: Ở hầu hết các chùa, chúng ta có thể quan sát thấy người đi chùa thường đổi tiền thành tiền lẻ rồi gài tiền vào các tượng phật, đồ lễ dâng lên trước mỗi điện. Nhiều người còn ném tiền ở khắp mọi nơi, từ các linh vật bằng đá đến cái cây ngọn cỏ, giếng nước, bệ nhang… Đây cũng hoàn toàn là một hành động vô ích bởi đức phật không cần tiền phát lộc từ con người, càng không đánh giá sự thành tâm của con người qua tiền bạc. Đức phật sẽ chỉ nhìn nhận đến hành vi đạo đức, đến con đường giác ngộ mà thôi. Cho nên, khi đi lễ chùa, tốt hơn hết chúng ta chỉ cần mang theo một ít tịnh vật đơn giản và thành tâm khấn phật, nếu có lòng thành tâm công đức, tốt nhất nên đút tiền vào hòm công đức hoặc tặng lại cho ban ghi nhận công đức ở chùa. Khi đi chùa mình thường không bao giờ phải lo lắng về việc đổi tiền chẵn ra tiền lẽ, và cũng thường không bao giờ đặt tiền trước các ban phật mà chỉ đút tiền vào hòm công đức hoặc gửi lại tại các ban ghi nhận công đức để góp phần tu bổ chùa khi cần thiết

Như vậy, có thể kết luận rằng, phật giáo hướng chúng ta đến một con đường tu tập nhận thức về bản thân và thế giới một cách khách quan và tương đối cụ thể, có thể tóm lược trong 4 định hướng chính: i) hướng con người đến cuộc sống hạnh phúc hơn, tốt đẹp hơn, tự do hơn; ii) định hướng con người sống cuộc sống có đạo đức và hướng thiện; iii) tạo cho con người nhận thức đúng đắn hơn về cuộc sống, về tư duy cũng như hành động của bản thân; iv) giúp con người phát triển sự hiểu biết và trí tuệ.

Sự vô minh, mê muội, không hiểu bản chất của phật giáo chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải ở các chùa trong những tháng mùa hội như hiện nay. Người ta cho rằng “cúng cả năm không bằng rằm tháng giêng” nên phải xếp hàng dài thâu đêm, phải chen lấn, phải xì xụp lễ lạt mâm cao cỗ đầy… gây nên không ít những lãng phí, hiểm họa và gia tăng tệ nạn xã hội. Sự vô minh lại nối tiếp những vô minh ngày càng lớn hơn, đắp dày thêm cho sự tham, sân, si vốn có của con người. Thiết nghĩ, nếu phật là người giác ngộ như vậy mà lại nhận “hối lộ” để ban may, bán phước cho con người thì phật có còn là phật, là đấng đã giác ngộ, xa rời khỏi trần tục nữa hay không? Chùa chiền nên là nơi thanh tịnh, yên tĩnh để những người đang cần sự thanh tịnh, yên tĩnh ấy giúp giác ngộ thêm cho tư duy được sáng tỏ; là nơi mà chúng ta tìm đến khi muốn nghe giảng đạo để kiên định hơn trên con đường tu tập thoát khổ của mình mới phải. Đức phật cũng không yêu cầu chúng ta phải tu tập tại chùa, mà con đường tu tập của chúng ta có thể ở bất kỳ nơi nào, miễn là tâm và thân chúng ta sáng suốt, thấu hiểu những gì phật dạy. Thiết nghĩ, có một câu ca dao mà chúng ta đáng ghi nhớ hơn” Thứ nhất là tu tại gia; thứ nhì tu chợ; thứ ba tu chùa”. Đại ý rằng chúng ta hãy trước hết tu nhân tích đức từ chính mối quan hệ với gia đình, người thân, rồi đến quan hệ xã hội, công việc, kinh doanh sau đó mới đến chùa để đi tìm sự an lạc. Sống có trách nhiệm, hướng thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn, đứng lên bảo vệ lẽ phải, kiên định với con đường học tập và rèn luyện bản thân, bỏ qua những chấp chước mới chính là con đường duy nhất giúp chúng ta có được một cuộc sống hạnh phúc và tự do, tài lộc đầy đủ và bền vững do chính tự thân chúng ta dạo dựng. Hãy chỉ đến chùa khi chúng ta thực sự cần một nơi yên tĩnh để suy nghĩ, một nơi an lạc để vãn cảnh cũng như một sự giúp đỡ để giải thoát u mê, hoặc hãy đến khi chúng ta đã mang một trái tim minh tuệ, giác ngộ để tri ân, hàm ơn người đã giúp ta có được một con đường tu tập đầy ý nghĩa.

Hoàng Minh

Ngày 19.02.2017

Facebook Comments