parallax background

Nghề Kế Toán Với Đời Sống


Thấy facebook friends của mình có rất nhiều người làm nghề kế toán- tài chính, nên mình viết bài này để tặng các bạn cùng nghề. Dù rất xin lỗi là bình thường mình ít khi viết về nghề nghiệp trên Facebook một cách nghiêm túc vì mình không phải là một “tín đồ sùng đạo” lắm (ý là yêu nghề í. Hihi). Số là mình lựa chọn nghề khi mình còn rất trẻ và không có hiểu biết nên chả biết ngành nghề nào phù hợp với bản thân tính cách của mình. Tuy vậy qua 10 năm làm việc trong ngành này, thì mình phải thực sự đánh giá rằng Nghề kế toán- tài chính là một nghề có tính thực tiễn cao, có nhiều mối liên hệ với đời sống và rất đáng hãnh diện, tự hào nhé! Mời các bạn tự sướng cùng mình:

  1. Quy tắc cân bằng nợ- có, tổng tài sản (assets) bằng tổng nợ (liabilities) và tổng vốn chủ (equity) rất gắn bó với đời sống. Khi bạn muốn tăng một nguồn lực này thì bắt buộc bạn phải giảm một nguồn lực khác. Đó là điều tất yếu. Muốn tăng một tài sản này thì bắt buộc phải giảm một tài sản khác hoặc tăng một khoản nợ khác. Ví dụ bạn muốn mua một cái ô tô giá trị 2 tỷ. Để có được ô tô (Debit non-current asset), bắt buộc bạn phải bỏ ra số tiền mình có (Credit current asset) và vay nợ phần còn thiếu (Credit Payable/Liabilities). Sự chuyển hóa tài chính trong doanh nghiệp (fund) cũng chẳng khác gì chuyển hóa năng lượng (energy): Tiền bác chẳng tự nhiên sinh ra, chẳng tự nhiên mất đi mà chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác (Assets/Liabities/Equity) thông qua các hoạt động/giao dịch chuyển hóa tiền tệ. Tiền bạc chỉ sinh ra thêm khi giá trị thạng dư của doanh nghiệp tăng lên (Net income). Đối với cuộc sống của chúng ta cũng vậy, tiền bạc chỉ có thể tăng lên một cách bền vững nếu chúng ta lao động, làm việc chăm chỉ để tạo ra giá trị đích thực.
  2. Đừng bao giờ để tổng tài sản ngắn hạn (current assets) thấp hơn tổng nợ ngắn hạn (current liabilities)- như tổng chi tiêu trên thẻ tín dụng cao hơn tổng thu nhập 1 tháng, hay dùng các khoản nợ ngắn hạn (current liabilities) để đầu tư/mua bán vào tài sản dài hạn (non-current assets)- như vay tín chấp để mua nhà cửa đất đai, trong một thời gian dài. Nếu không, sẽ có lúc bạn phải đắm mình trong việc gối nợ và không thể trả được nợ (mất khả năng thanh toán).
  3. Giá trị thương hiệu, uy tín (trademark) cũng có thể định lượng được bằng tiền (goodwill), đôi khi rất nhiều tiền. Con người chúng ta cũng vậy, danh tiếng, uy tín, tiếng tăm là giá trị vô hình mà phải được xây dựng một cách bền bỉ qua thời gian, qua những giá trị đóng góp cho cộng đồng và xã hội, không thể chỉ đo bằng quần áo, thời trang, trang sức, túi xách… Phần chìm (invisible/intangible) đôi khi đem lại giá trị to lớn hơn nhiều so với phần nổi (visible/tangible), và làm nên giá trị vốn hóa thị trường (market capitalization) cho một doanh nghiệp hay giá trị con người (nhân cách) của một cá nhân.
  4. Đôi khi cũng có những giá trị ảo mà làm cho giá trị thị trường không phản ánh đúng giá trị thực của doanh nghiệp, tạo nên bong bóng. Cũng như vậy, sự biến hóa về trang phục, mark-up, tiền bạc trong ví… của một con người làm người ta bị lầm tưởng về giá trị thực và tạo nên các bong bóng. Nhưng bong bóng thì sớm muộn cũng sẽ vỡ, và không bao giờ tồn tại lâu dài
  5. Mọi sự vật và hiện tượng bao giờ cũng tồn tại ở 2 mặt nội dung và hình thức. Sự biến hóa của các hoạt động về mặt hình thức trong doanh nghiệp nhằm chỉ để phản ánh sự luân chuyển của vốn/dòng tiền để đạt hiệu quả cao nhất, vì một mục tiêu cuối cùng là tăng giá trị doanh nghiệp/tăng lợi ích cho cổ đông/maximize lợi nhuận. Con người chúng ta cũng vậy, có hàng trăm hình thái và cách thể hiện khác nhau, nhằm che đậy cho bản chất và để đánh lạc hướng dư luận. Mà muốn hiểu mục tiêu/bản chất là gì, chỉ nhìn vào bề ngoài, hình thức chúng ta khó lòng đánh giá được một cách công bằng và khách quan.
  6. Những rủi ro có thể nhìn thấy được bằng mắt (identified risks) bao giờ cũng dễ xử lý hơn những rủi ro tiềm ẩn (potential risks). Doanh nghiệp cần có cả một đội ngũ hùng hậu từ Quản lý tài chính (Financial management); quản lý nội bộ (Internal control); kiểm toán nội bộ (Internal audit); quản trị rủi ro (Risk management)…. chỉ là để kiểm soát, phát hiện và hạn chế Potential Risks. Chúng ta cũng vậy, rủi ro khi mất cảnh giác là thứ rủi ro khó định lượng và đem đến nhiều đau thương nhất. Nó lại thường không phát sinh từ bên ngoài (external) mà thường phát sinh từ bên trong (internal) bởi ít khi chúng ta đề phòng những rủi ro đến từ những thứ rất thân thuộc.
  7. Tổng giá trị thang dư (Gross income) tạo ra không phải là toàn bộ số tiền chúng ta được sử dụng để đầu tư, dù 100% là do doanh nghiệp tạo nên. Các bạn phải đóng thuế, trả lãi… Chúng ta chỉ được ghi tăng phần lợi nhuận cuối cùng (net income) cho Equity. Ngoài ra, phần lợi nhuận này còn dùng để trả lợi tức cổ đông trước khi tính toán đến việc tái đầu tư và mở rộng kinh doanh. Tương tự, chúng ta đi làm, 100% lương không dùng để phục vụ riêng cho chúng ta. Ngoài nộp thuế, trả nợ, phụng dưỡng cha mẹ, đóng học phí cho con, chi trả các chi phí cố định,…phần còn lại dành riêng cho mình hay để đầu tư đôi khi chiếm tỷ lệ rất thấp. Đúng là nghịch lý nhưng chúng ta cần phải chấp nhận và đừng đầu tư quá phần tỷ lệ mà chúng ta đã tính toán. Quyết định đầu tư mạo hiểm, có thể kéo theo sự mất ổn định của rất nhiều người khác.
  8. Các nguyên tắc cơ bản của kế toán (Accounting Principles) cũng rất gần gũi với cuộc sống:

a. Nguyên tắc giá gốc (costing principle): theo nguyên tắc này thì giá trị nguyên giá ban đầu (historical cost) của tài sản ghi nhận không thay đổi (rất hiếm khi thay đổi trừ khi đánh giá lại) theo thời gian nhưng sẽ giảm dần trong quá trình sử dụng (net book value luôn nhỏ hơn so với Historial cost). Tương tự trong cuộc sống, đừng hi vọng đối tác tự nhiên sẽ thay đổi ngày một tốt đẹp hơn theo thời gian. Nếu bạn chấp nhận chung sống với một người thì nên nhớ cái anh ta thể hiện ra cho bạn ban đầu là những cái tốt đẹp nhất rồi. Khi bạn đồng ý gắn bó với anh ta, bạn cần chấp nhận thực tế rằng muốn làm tăng giá trị của anh ta (để đạt mục tiêu tăng lợi ích cho bạn), không có cách gì khác ngoài việc bạn phải tham gia vào việc nâng cấp nó, chứ không bao giờ “tài sản” ấy tự động tăng giá trị

b. Nguyên tắc phù hợp (matching principle): yêu cầu khi ta ghi nhận một đồng doanh thu (revenue), ta phải ghi nhận phần chi phí (cost/expense) tương ứng. Tương tự như vậy, bạn cần đảm bảo sự cân bằng (work life balance) trong cuộc sống. Bạn làm việc để tạo ra thu nhập/cống hiến tình yêu đi 10, thì bạn cũng cần được nghỉ ngơi/vỗ về/yêu thương tương ứng. Nghỉ ngơi quá ít trong giai đoạn này (period), bạn bắt buộc phải bù đắp ở các giai đoạn sau (subsequent periods). Và đương nhiên, nó sẽ làm cho bạn phải mất thêm một số thứ khác nữa. Sự đánh đổi này không bao giờ là 1:1, đó là sự mất ổn định và bền vững về mặt tinh thần (mental health). Quan trọng là bạn phải xác lập được tỷ lệ phần chi phí được ghi nhận tương ứng là bao nhiêu thì phù hợp theo nguyên tắc

c. Nguyên tắc nhất quán (Consistency principle & Full disclosure principle): yêu cầu sử dụng các phương pháp kế toán (accounting methods) một cách nhất quán (consistently). Nếu có thay đổi, cần phải giải trình lý do và ảnh hưởng của sự thay đổi trong thuyết minh báo cáo tài chính (Notes). Tương tự, muốn có một mối quan hệ bền vững, bạn cần đảm bảo một tâm lý, cách cư xử ổn định và nhất quán với mọi người. Nếu thay đổi mà không báo trước, đối tác hay các mối quan hệ của bạn của bạn sẽ bị bất ngờ, khó hiểu hay thậm chí bực bội, cáu gắt, quát nạt và từ bỏ bạn…. Cổ đông, nhà đầu tư và các cơ quan chính quyền khác cũng hành xử tương tự

d. Nguyên tắc hoạt động liên tục (Going concern principle): giả định doanh nghiệp phải đang hoạt động liên tục và tiếp tục hoạt động liên tục trong tương lai nhằm đảm bảo giá trị của doanh nghiệp mang lại cho cổ đông. Trong cuộc sống cũng vậy, mọi người đều phải tiến lên, và ngày càng phát triển để mang lại giá trị cho bản thân và gia đình. Nếu ở một thời điểm nào đó bạn dừng lại hoặc tụt lùi, mà lý do dừng lại không thuyết phục thì cổ đông và nhà đầu tư đều sẽ bỏ rơi bạn. Sự phát triển của con người chúng ta cũng cần liên tục, nếu bạn muốn xây dựng một thương hiệu bản thân bền vững, lâu dài vào có ý nghĩa với những người xung quanh

e. Nguyên tắc thận trọng (Conservatism): nhằm yêu cầu các ước tính kế toán phải chắc chắn dù được ước tính trong điều kiện không chắc chắn: Không đánh giá cao hơn giá trị của tài sản và khoản thu nhập (cũng như đừng quá tin rằng cưới anh ấy về rồi tôi sẽ dần dần thay đổi anh ấy- impossible đấy); không đánh giá thấp hơn giá trị các khoản nợ phải trả và chi phí (nên nhớ mệt mỏi của bạn hôm nay sẽ phải trả giá thêm ở tương lai nếu bạn không biết dừng lại nghỉ ngơi đúng lúc)… Nguyên tắc sống là chúng ta cứ đặt mình vào tình trạng rủi ro nhất để chuẩn bị (đừng mừng quá sớm và đừng mất cảnh giác)

f. Nguyên tắc trọng yếu (Materiality): Kế toán đánh giá một giao dịch/thông tin hay một sự kiện có là trọng yếu hay không dựa trên 2 yếu tố định lượng (quantitative- độ lớn) và định tính (qualitative- tính chất của thông tin). Nếu thông tin có giá trị đủ lớn có thể ảnh hưởng đến việc ra quyết định hoặc làm sai lệch kết quả của báo cáo hoặc ảnh hưởng lớn đến xu hướng đầu tư hoặc sự thiếu tính chính xác của thông tin đó có ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc ra quyết định thì được xem là trọng yếu. Tương tự, trong cuộc sống, chúng ta hãy đi đến quyết định khi thực sự chắc chắn. Nếu chưa chắc chắn, bạn đừng ra quyết định. Đôi khi trong đầu tư, người ta phải đánh đổi rủi ro tiềm tàng để có được lợi ích cao hơn bằng phán đoán và nhận định của bạn thân. Bạn cũng có thể làm như vậy nếu bạn tin vào trực giác và linh cảm của bản thân mình. Nhưng ở góc độ quản trị rủi ro và đảm bảo tính bền vững của của các nguyên tắc trong kế toán- tài chính, bạn vẫn cần thận trọng

Chúc các bạn đồng nghiệp của mình sẽ cảm thấy yêu nghề nhiều hơn, bởi không phải những nguyên tắc và số liệu khô khan của kế toán rất vô nghĩa, ngược lại chúng là những con số biết nói, phản ánh bản chất doạt động của một doanh nghiệp. Và nếu biết cách áp dụng sáng tạo vào đời sống, chúng ta sẽ luôn cảm thấy cân bằng, tích cực và thực tế, nhìn nhận thấu đáo bản chất của sự vật, hiện tượng diễn ra trong cuộc sống hàng ngày!

Thân ^^

Facebook Comments