Thế giới luôn luôn vận động không ngừng nghỉ. Theo nghiên cứu, mỗi giây trôi qua, thế giới có 4 em bé được sinh ra, 1 cặp đôi tiến đến hôn nhân, 12 ngàn bức ảnh được chụp, 3400 email được gửi, 800 cuộc điện thoại được kết nối, 2500 món quà được trao tặng hay 31 ngàn lượt like trên facebook…
Vận động là sự tất yếu để chúng ta trưởng thành và lớn lên, trong đó ai trong chúng ta cũng phải đối mặt với sự thay đổi. Thay đổi có thể là rất nhỏ như hôm nay đi làm về, bạn không mua được thứ nước hoa quả yêu thích vì họ đã hết hàng. Thay đổi cũng có thể rất lớn như bạn kết hôn, sinh con, thay đổi công việc hay bị mất đi một người thân…
Chúng ta luôn luôn phải đối mặt với sự thay đổi, và thậm chí bản thân chúng ta cũng thay đổi rất nhiều chứ không hề nguyên bản như lúc sinh ra. Cho đến khi chúng ta qua đời, số lượng tế bào đã chết bằng đúng trọng lượng của chúng ta. Nghĩa là cơ thể chúng ta luôn luôn được thay bằng các tế bào mới theo những chu kì nhất định: tế bào biểu mô ruột thay mới sau 5 ngày, tế bào biểu bì da thay mới sau 39 ngày, tế bào hồng cầu thay mới sau khoảng 120 ngày…
Triết học nói: đấu tranh giữa các mặt đối lập là tiền đề của sự phát triển. Về mặt bản chất, có thể hiểu sự thay đổi chính là quá trình đấu tranh giữa các mặt đối lập bởi khi lượng đổi vừa đủ sẽ dẫn đết chất đổi và tạo ra được cái mới- hoàn tất một sự thay đổi.
Quả vậy, chẳng thứ gì đứng yên tại chỗ. Mỗi ngày trái đất tự quay được 1 vòng- ngày mới được sinh ra. Mỗi năm trái đất quay quanh mặt trời được 1 vòng- năm mới lại tiếp tục. Mỗi năm IBM có thêm khoảng 3600 bằng sáng chế, Samsung khoảng 3000 bằng, Apple hay Google có khoảng 1000-1500 bằng…
Như vậy để thấy, THAY ĐỔI trên thế giới này là tất yếu. Chúng ta thường lo sợ trước một sự thay đổi bởi thay đổi luôn đi kèm với những bí mật và khó có thể dự báo trước. Vì khó dự báo trước nên có thể tốt đẹp hơn, cũng có thể xấu đi. Nhưng nếu bạn nhìn vào sự vận động chung của thế giới và nhân loại, thì thay đổi mang đến nhiều CƠ HỘI cũng như sự lựa chọn. Và tổng quan có thể thấy, luôn mang đến nhiều kết quả tốt đẹp hơn.
Nếu bạn tự hào vì đã bám trụ ở một công ty gần chục năm rồi và hiện tại đang là nhân viên cốt cán ở một vị trí ổn định. Chia buồn với bạn rằng bạn thực sự đang tụt lùi. Nghiên cứu mới đây cho rằng bạn mất trung bình khoảng 6 tháng để làm quen với việc mới và hiểu việc mình đang làm, mất 1 năm để làm việc đó với năng lực tốt nhất, nhưng sau 2 năm khả năng làm việc của bạn suy giảm. Đó là lý do tại sao các công ty có chính sách quản lý nhân sự ưu tú thường xuyên có thay đổi công việc cho nhân viên mỗi 2 năm một lần để tận dụng khả năng làm việc tốt nhất. Gần đây trên tạp chí Forbes còn đăng một bài nghiên cứu gây chấn động, đó là: nếu bạn làm việc cho cùng một công ty quá 2 năm thì thu nhập của bạn giảm đi một nửa hay đưa ra lời khuyên bạn nên chuyển việc sau mỗi 3-5 năm. Một số nhà tuyển dụng còn đánh giá cao ở sự nhảy việc bởi những người nhảy việc thường xuyên có khả năng thích nghi cao, học tập nhanh chóng và vì thế làm tốt công việc của mình hơn những người ngại thay đổi, ở mãi một vị trí.
https://www.google.com.vn/…/employees-that-stay-in-com…/amp/
https://www.fastcompany.com/…/you-should-plan-on-switching-…
Thuật ngữ ổn định và mưu cầu ổn định của hầu hết chúng ta đã bị đánh bay xa lắc bởi nó đã trở nên quá lỗi thời và lạc hậu trong thế giới mới. Nếu chúng ta muốn có được sự ổn định bền vững thực sự, thì cách duy nhất là tiến về phía trước. Khi bắt đầu dừng lại, nghĩa là chúng ta đang tụt lùi.
Nhiều người trong chúng ta khó thích nghi với sự thay đổi, ngạc nhiên trước sự thay đổi của người khác, hay thậm chí chế giễu và cười nhạo. Nhưng rồi sẽ đến lúc họ bắt đầu nhận ra được quy luật, dù ít dù nhiều, sớm hay muộn mà thôi.
Nếu bạn đang ở trong một mối quan hệ hay một team, hãy chắc chắn những người trong team ấy đang vận động cùng một hướng, cùng một tốc độ để đảm bảo mối quan hệ hay team có thể đi được với nhau quãng đường dài nhất và xa nhất. Bất kỳ một ai dừng lại hoặc đi ngược lại sự vận động của những người khác đều làm phá vỡ mối liên kết, khiến chúng trở nên lỏng lẻo và cỗ máy dễ bị trục trặc giữa chừng.
Trọng lượng tế bào mất đi trong cả đời người nhiều như vậy, nghĩa là ta không còn là ta từ nguyên bản, nhưng chẳng ai làm sai được ý niệm của ta về bản thân mình. Dù bao nhiêu tế bào đã bị thay thế, chúng ta vẫn tự ý thức được bản thân không hề là người khác. Nghĩa rằng, chúng ta ngày nay vẫn là ta nhưng đã ở một mức phát triển cao hơn so với ban đầu. Nói cách khác, thay đổi không chỉ là quy luật tất yếu của tồn tại xã hội, thay đổi còn là quy luật tự nhiên của sinh tồn mà không làm sai lệch bản chất, chỉ phủ định cãi cũ tạo nên cái mới tốt đẹp hơn khi mọi thứ đã sẵn sàng.
Vậy vì sao ta không lựa chọn thay đổi?
ONE DAY OR DAY ONE. YOU DECIDE!
Chào tháng 9 tôi Yêu!
1.9.2017