GÓC KHUẤT

Tôi tắt máy kéo ghế ra về khi đồng hồ vừa chỉ 23 giờ đêm. Nếu ở muộn hơn giờ này tòa nhà sẽ khóa thang máy và tôi sẽ không thể về nhà được nữa. Deadline cuối quý quá căng thẳng, chỉ có hai ngày để lên báo cáo trong khi các phân hệ AR[1], AP[2] vừa mới cut – off[3]. Tôi chịu trách nhiệm làm tổng hợp và lên báo cáo.

Đôi khi tôi cảm thấy chản nản công việc tám tiếng một ngày này bởi nó quá tẻ nhạt và lặp lại suốt tháng này qua tháng khác, quý này sang quý khác. Nhưng biết sao được khi đã lựa chọn nghề nghiệp rồi thì sẽ phải tiếp tục chiến đấu với nó. Cuộc sống này đâu phải lúc nào cũng được làm công việc mà mình yêu thích đâu. Nói đến công việc yêu thích thì tôi cũng chẳng biết mình yêu thích gì nữa. À, tôi có thích viết truyện, đôi khi cũng sáng tác được một vài truyện ngắn thú vị và gửi đăng báo hoa học trò khi còn là học sinh trung học, nhưng đối với bố tôi, điều đó thật phù phiếm và không được ông đánh giá cao.

Tôi sinh ra và lớn lên làm gì cũng phải theo ý bố mẹ. Bố nói tôi phải học chuyên tôi không dám không theo. Bố bắt tôi phải học toán trong khi tôi thích học văn tôi cũng không dám cãi. Lớn lên khi quyết định chọn trường thi đại học, bố cũng chọn cho tôi: “Con gái làm kế toán con ạ, nghề nghiệp ổn định, dễ xin việc và có nhiều thời gian chăm sóc cho gia đình”.

Nhưng khi tôi bắt đầu hiểu rằng nghề này không phù hợp với mình thì tôi không còn lựa chọn nào khác. Mà thực ra làm sao tôi có lựa chọn khác được chứ bởi bản thân tôi cũng chẳng biết mình phù hợp với nghề gì. Tôi đã bao giờ thử làm khác những gì bố mẹ đã nói với tôi đâu. Tôi lớn lên với định hướng giáo dục là luôn cần lựa chọn cho mình cái gì đó ổn định. Và nghề kế toán cũng vậy: ít thay đổi, ít rủi ro và ít biến động. Công việc này vì vậy cho tôi một lịch trình có thể dự đoán trước, cho tôi một thu nhập đều đặn mỗi tháng để có thể sống cũng như giúp đỡ người thân và điều đó rất khiến bố mẹ tôi hài lòng.

Giờ này thì các chuyến xe buýt cũng đã nghỉ từ lâu, muốn về chỉ có cách hoặc là đi xe ôm, hoặc là đi bộ. Văn phòng công ty cách nhà tập thể hiện tôi đang thuê trọ chỉ khoảng 3km. Nghĩ thế nào tôi lại muốn đi bộ về nhà vào lúc này. Có lẽ bởi tiết trời Hà Nội vào thu rất mát mẻ và dễ chịu. Ban ngày trời còn khá nắng nóng nhưng đến nửa đêm thì không khí se se lạnh, cảm giác rất thoải mái. Cả tuần nay tôi vùi đầu vào công việc và gần như chẳng ló mặt ra ngoài suốt từ sáng sớm đến tối muộn nên cũng tự nhiên muốn được hít thở tí không khí trong lành buổi đêm. Đường về nhà cũng đông đúc và sáng sủa nên cũng chẳng đáng sợ lắm. Nghĩ vậy tôi càng sải những bước rộng vui vẻ đi bộ về nhà. Nhẩm tính chắc cũng chỉ 30 phút là sẽ về tới ngõ thôi.

Chiếc ba lô đựng laptop lúc lắc trên vai theo từng bước chân tôi trên vỉa hè. Đã nửa đêm mà đường phố vẫn rất nhộn nhịp. Ánh đèn đường dải xuống những thứ ánh sáng đỏ đục như dát vàng. Vừa đi tôi vừa để ý bóng mình cứ đổ về phía trước ngắn tủn rồi bị kéo ra phía sau dài dặc khi đi qua chiếc cột đèn. Rồi khi tới gần một cột đèn khác, cái bóng lại đổ ngược lại về phía sau dài dặc trước khi bị kéo về phía trước ngắn tủn. Bóng những chiếc xe máy đang lao nhanh trên đường cũng vậy. Khi chạy đến khoảng giữa hai cột đèn, thì hai cái bóng cùng xuất hiện, đổ về hai phía trông rất thú vị.

Khi nhìn những bóng đổ ấy, tôi bỗng liên tưởng đến cuộc sống của dân công sở như mình. Ngày nào cũng bị xô đẩy từ hết phòng ban này sang phòng ban khác, sếp này đến sếp khác: những ép tiến độ, những giải trình, giải thích, hỗ trợ… rồi áp lực của deadline[4] chồng chất. Cái bóng này chưa qua, cái bóng khác đã lấn tới. Cuộc sống nhìn từ bên ngoài im lìm y như tòa nhà văn phòng chọc trời trước mặt, sừng sững hiên ngang trong bóng đêm như một cái gì đó bền vững và chắc chắn, nhưng bên trong ẩn chứa biết bao vận động và biến đổi.

Người ta, như bố mẹ tôi chẳng hạn, cứ nghĩ rằng khi ngày tám tiếng được chui trong những tòa nhà sáng sủa có điều hòa mát lạnh ấy, không phải dãi nắng dầm mưa, được bao bọc bởi bốn bức tường, tháng tháng được lĩnh lương đều đặn là một thứ ổn định đầy kiêu hãnh mà những đứa sinh viên mới ra trường nào cũng mong mỏi. Vì vậy mà bố mẹ rất tự hào về tôi.

Nhưng ít ai nghĩ rằng ngày ngày những bộ óc ngồi trong những khu văn phòng ấy đều bị nhào đi nặn lại, căng lên như những sợi dây đàn đến mỏi mệt và xác xơ suốt tháng này qua năm khác, mà nhìn bề ngoài chẳng thể nào cảm nhận được. Liệu đó có thực sự là định nghĩa của từ “ổn định” không? Tôi chẳng biết nữa. Ý nghĩa của công việc mà hàng ngày tôi đang làm là gì? Tôi bất giác tự đẩy mình vào câu hỏi. Những guồng quay hối hả hàng ngày cứ ném tôi hết vào mớ bòng bong này đến mớ bòng bong khác, khiến chưa bao giờ tôi từng suy nghĩ nghiêm túc về điều đó.

Ngay sau khi ra trường, với thành tích học tập cao và khả năng ngoại ngữ tốt do những năm tháng học tập miệt mài tại trường đại học, tôi đã được tuyển dụng vào làm trong một tập đoàn bất động sản lớn của Hồng Kông. Công việc cứ thế nối tiếp ngày ngày trong những guồng quay và bận rộn suốt hai năm, nhưng tôi chưa một lần suy nghĩ về mục đích công việc và cuộc sống của mình. Hẳn là làm việc trong một doanh nghiệp tư nhân lớn, những gì tôi làm cho họ là mang lại lợi ích vật chất, hoặc là tăng doanh số hoặc là giảm chi phí để đạt mức lợi nhuận cao nhất vì đó là mục đích họ thuê những người như tôi làm việc.

Tất cả những người đang làm công ăn lương đều làm những việc giống nhau: cống hiến sức lao động và được trả công theo mức độ cống hiến. Mọi thứ xem ra rất công bằng. Vậy nhưng tại sao khi mọi thứ công bằng mà con người ta lại vẫn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng? Phải chăng con người luôn đòi hỏi, muốn được đáp ứng những mưu cầu nhiều hơn so với những gì mình xứng đáng được hưởng. Đó có phải là lý do không?

Rồi tôi nhớ đến Vĩnh của tôi, chàng trai tôi đang yêu. Anh ấy là phóng viên của một tờ báo có tiếng ở Hà Nội. Vĩnh đang chịu trách nhiệm về mục tin phóng sự hình sự, chuyên tìm hiểu về những đường dây ma túy, mua bán súng đạn hay tụ điểm cờ bạc, mại dâm hoạt động trái pháp luật…. Vĩnh thường xuyên phải đi xa, phải đóng giả làm những người lao động bình thường hay cải trang cùng công an khu vực để điều tra các tụ điểm phi pháp khi có thông tin mật báo. Tuy công việc tương đối nguy hiểm và đôi khi cần phải liều lĩnh, nhưng Vĩnh rất yêu công việc của mình.

Khác tôi, anh chẳng đòi hỏi quá nhiều đến thu nhập và đãi ngộ. Có thể vì thế mà anh luôn luôn vui vẻ và ít khi căng thẳng. Cuộc sống của anh khác hẳn với cuộc sống của tôi hay những mục tiêu mà tôi đã và đang được định hướng tới. Tôi từng nói chuyện rất nhiều lần với Vĩnh và muốn anh chuyển sang mảng tin bài khác để không phải đối mặt với rủi ro nhưng Vĩnh nói đó là cuộc sống, là đam mê của anh. Nếu từ bỏ công việc này, nó không khác gì bắt anh phải từ bỏ chính mình và khi ấy Vĩnh sẽ không còn là Vĩnh nữa.

Tôi biết Vĩnh chẳng kể hết cho tôi những nguy hiểm anh đã phải trải qua hay đối đầu vì sợ tôi lo lắng. Nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy hoang mang và sợ hãi. Tôi vẫn hay lấy cớ đó để giận dỗi anh vì cho rằng anh yêu tôi không đủ để từ bỏ đam mê của mình, hay anh không thực sự nhiệt tình với mối quan hệ này.

Không hiểu sao tôi cứ phải ghen với đam mê của Vĩnh, và luôn muốn anh phải chọn lựa. Tôi giận anh mỗi khi anh biệt tăm cả tuần không liên lạc được vì anh bảo không thể liên lạc cho tôi khi đang trong vùng nguy hiểm. Và lần này cũng vậy. Vĩnh đã đi hai tuần, không một tin nhắn, không một cuộc điện thoại. Dù ở bên anh đến hai năm, tôi vẫn cứ băn khoăn trong hàng tá câu hỏi đâu là bến đậu của cả hai. Bố mẹ tôi thì lại rất thích anh, bởi họ nghe nói anh là phóng viên – tên nghề thật là sang chảnh. Tôi cá là nếu họ biết chính xác anh đang làm gì, họ sẽ không bao giờ để tôi yêu anh.

Anh nói làm công việc này, anh giúp được nhiều người, giúp cho xã hội lành mạnh hơn, giúp loại bỏ cái xấu và góp phần thúc đẩy cái tốt đẹp trong cộng đồng. Nó khiến anh tự hào, hạnh phúc và cảm thấy mình có ích. Nhưng đối với tôi, điều ấy thật viển vông và mù quáng, chẳng khác nào một gã “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

Một phụ nữ văn phòng công sở chính cống như tôi, lại là dân kế toán, hàng ngày mọi quyết định đều chỉ dựa trên những nguyên tắc cố định như: nhất quán, thận trọng, phù hợp, liên tục; suy nghĩ làm sao để kiểm soát rủi ro, giảm thiểu những biến động trọng yếu… thì những gì anh đang làm vượt quá mưu cầu và mong ước của tôi: một ngôi nhà bình yên, một người đàn ông bình thường và những đứa trẻ ngoan ngoãn.

Trích từ Tập truyện ngắn “Những ngón tay bay”

Facebook Comments