TÂM LINH

Gần đây cụm từ này trở nên vô cùng phổ biến, được nhắc đi nhắc lại rất nhiều trong các diễn đàn, hội nhóm. Quá nhiều sách vở được viết về các chủ đề tâm linh ở nhiều quan điểm khác nhau và ngày càng nhiều sách dịch về chủ đề này được phổ biến tại Việt Nam khiến cho sự quan tâm tới chủ đề này ngày càng nâng cao. Theo tôi đây là một tín hiệu tốt, nhưng cũng là một điều đáng lo lắng nếu như chúng ta không nhận thức nó một cách thật khách quan và sáng suốt.
Tôi rất thích đọc các sách liên quan tới chủ đề tâm linh, vốn là một phần của các đầu sách triết học mà tôi yêu thích, bao gồm cả các chủng loại đầu sách gần với chủ đề này là tôn giáo, văn hóa, lịch sử (theo nghĩa lịch sử văn hóa/lối sống/quan điểm) và đôi khi cả chiêm tinh (các môn huyền học). Quả thực chủ đề này rất rộng và cũng rất dễ “lầm lạc” nếu như có một cái nhìn phiến diện về nó. Rất nhiều các cuốn sách nói tới “trí tuệ tâm linh” (spiritual intelligence) cũng muốn khuyên chúng ta hãy phát triển trí tuệ tâm linh để có được cuộc sống viên mãn, hạnh phúc. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ, trong đó chủ yếu giới trẻ đang nhìn nhận “trí tuệ tâm linh” này một cách rất phiến diện và thiếu chiều sâu.
Sau đây là một số quan điểm của tôi trong quá trình tìm hiểu các khái niệm về tâm linh của mình.
– Tâm linh không mang tính cộng đồng, hội nhóm, mà nó mang tính cá nhân. Tức là mỗi người xây dựng cho mình một quan điểm về niềm tin nhất định, chứ không thể có đúng sai trong nhận thức tâm linh để mà phản biện nhau quan điểm nào là sai, quan điểm nào là đúng. Tôi quan niệm rằng có tiền kiếp, hậu kiếp – anh quan điểm rằng chỉ có một kiếp sống này mà thôi là hai quan điểm tâm linh độc lập và không có đúng sai ở đây. Ngay trong quan điểm về việc nghiệp quả – luân hồi cũng có những quan điểm khác biệt, và điều này là riêng tư, phụ thuộc hoàn toàn vào niềm tin, trải nghiệm, thái độ sống, nhân sinh quan và giá trị họ tôn vinh của một con người. Bởi vậy một người tin vào thánh thần hay không tin vào thánh thần đều là những người có niềm tin tâm linh khác nhau chứ không phải một người có (trí tuệ) tâm linh, một người không có (trí tuệ) tâm linh.
– Tâm linh không phải là tôn giáo và hoàn toàn khác với tôn giáo. Tâm linh là tập hợp quan điểm của cá nhân, phản ánh cách nhìn nhận của cá nhân đối với cuộc sống, nguồn gốc, các giá trị tuyệt đối (thế giới quan) của riêng cá nhân đó (nhân sinh quan) mà không yêu cầu bất kỳ một hình thức nào về thờ cúng, quy chuẩn, cách thức, nghi lễ. Tức là một người có thờ cúng vị thánh thần nào hay không, không thể phản ánh được niềm tin tâm linh của anh ta. Một người hành đạo (thực hành tôn giáo nào đó) thường cần phải tuân thủ các quy định về quy chuẩn theo bộ quy tắc nghi lễ quy định bởi tôn giáo đó. Ví dụ: người theo đạo Phật đi chùa, người theo đạo tin lành tới nhà thờ, v.v… Vì vậy, một người có thể theo một tôn giáo nào đó hay không không phản ánh được quan điểm tâm linh của họ và ngược lại. (Riêng về phật giáo thì hơi khác hơn các tôn giáo khác, vì tính triết học của phật giáo rất cao, và phật giáo, theo bản thân tôi mang tính triết học về nhân sinh quan nhiều hơn tính tôn giáo)
– Tâm linh hướng về nguồn cội, gốc gác, cảm giác, trải nghiệm, tình yêu và tự do; còn tôn giáo hướng tới hình thức, quy tắc, sự cứu rỗi và tuân thủ, thờ cúng những đấng thiêng liêng theo từng quan điểm tôn giáo khác nhau. Nói cách khác, tâm linh định hướng bạn tới sự an ổn ngay tại đây, giây phút này, hướng bạn vào bên trong mình để yêu thương và tự do từ chính bản thể của bạn chứ không hướng bạn tới bất kỳ ai hay vị thánh thần nào bên ngoài bản thể của bạn, không gợi bạn tới việc phải thực hiện bất kỳ nghi lễ nào để được cứu rỗi và hạnh phúc. Bạn hạnh phúc hay không phụ thuộc vào bạn, khả năng nhận thức của bạn đối với tính tổng thể, tất cả (oneness-oriented) chứ không phải định hướng tới việc phải làm nghi lễ gì, hành động gì thì tương lai mới hạnh phúc, viên mãn, được cứu rỗi (lên thiên đàng thay vì địa ngục) (future-oriented). Vì vậy, bất kỳ một nghi lễ nào đó hướng tới việc lễ lạt, cúng bái đều mang tính tôn giáo (hoặc trục lợi từ tôn giáo) chứ không mang tính tâm linh (trừ các hoạt động thiền định có tổ chức rộng rãi cho nhiều người một lúc trong khi tu tập chung).
– Phát triển trí tuệ tâm linh không phải là việc thúc đẩy chúng ta tin vào một đấng tối cao nào, thánh thần bên ngoài, một sự vĩ đại tuyệt đối, đấng sinh thành ra tạo hóa (dù đó có thể là một niềm tin tâm linh bên trong của một người), mà phát triển trí tuệ tâm linh hiểu một cách rộng rãi hơn là phát triển chính khả năng cảm nhận (có ý thức và vô thức) của một người đối với thế giới khi nhìn nhận một vấn đề nào đó, chẳng hạn tình yêu vô điều kiện (cho đi đừng mong nhận lại); sự tự nhiên và hồn nhiên trong cách sống (spontaneity), lòng trắc ẩn (compassion), sự thấu hiểu và trân trọng/biết ơn (empathy and respect/gratitude), lòng can đảm (courage), sự trung đạo (neutrality) để cân bằng cuộc sống, etc. Nói cách khác, sự phát triển trí tuệ tâm linh hướng con người tới sự cân bằng, ổn định, vững chãi, thương yêu, thấu hiểu lẫn nhau hơn mà bỏ qua những lớp vỏ hình thức vốn tạo thành lớp áo hay tấm mặt nạ ngăn cách con người với nhau. Nước dù là nước mưa, nước sông, nước hồ, nước biển đều đến từ một bản chất là nước và không có sự phân biệt, từ đó con người biết trân trọng, yêu thương lẫn nhau mà không phân biệt sang- hèn, giàu- nghèo, giỏi- kém, etc. Còn bất kể hình thức nào khiến việc chia rẽ vấn đề thành tốt – xấu, cao – thấp, etc. đều là mang tính nhị nguyên, thuộc về các quan điểm xã hội (nhất thời) chứ không phải quan điểm thống nhất của tự nhiên (vĩnh hằng). Phát triển trí tuệ tâm linh là giúp chúng ta nhìn thấy được tính hai mặt (nhị nguyên) trong quan điểm và hiểu rõ sự phân chia này tạo thành một sự chia cắt trong xã hội và đẩy cao các mâu thuẫn nội tại, bởi vậy nên đặt vấn đề ở một góc nhìn toàn bộ để tránh sự chia rẽ, đau khổ và mỏi mệt trong chính con người chúng ta, nhằm hướng tới một niềm hạnh phúc tự thân bền vững.
– Tuy nhiên việc phát triển trí tuệ tâm linh không có nghĩa là thúc đẩy con người hãy bỏ đi việc hưởng thụ các thành quả công việc và cuộc sống của mình như sự thành công công việc, niềm vui vật chất, tình yêu lứa đôi, và chúng ta phải sống một cuộc sống nghèo nàn khổ ải để thể hiện rằng mình không cần vật chất – của cải. Quan điểm này là nghịch lý và sai lầm, vì nó lại vô hình chung đẩy con người vào một thái cực của sự từ chối hay không công nhận các giá trị mà vật chất mang lại (và vẫn mang bản chất nhị nguyên). Bất kể quan điểm nào đẩy con người vào một thái cực của sự công nhận cái này phê phán cái kia một cách cực đoan đều không phải là định hướng của việc phát triển trí tuệ tâm linh. Nói cách khác, chúng ta thừa nhận những giá trị và lợi ích của vật chất mang lại cho cuộc sống, tình yêu đôi lứa mang lại cho tâm hồn, niềm vui giúp đỡ lẫn nhau; sự thấu cảm với niềm đau của con người, etc. để chúng ta sống hòa đồng hơn và chấp nhận những khác biệt của nhau chứ không phải đi công kích sự khác biệt. Lệ thuộc quá mức vào quan điểm tâm linh nào đó một cách cực đoan cũng không khác gì lệ thuộc quá mức vào vật chất, tiền bạc. Thái độ sống trung hòa của con người mới thể hiện được rõ trí tuệ tâm linh của người đó, và hướng họ tới sự tự do trọn vẹn (sự thông tuệ hay wisdom).
Bản thân tôi cho rằng khi một người càng cởi bỏ được nhiều xiềng xích về quan điểm và định kiến, thì người đó càng trở nên thông tuệ và phát triển cao về trí tuệ tâm linh, bất kể tôn giáo của họ là gì. Tôi có một người bạn đã dành 10 năm theo thiên chúa giáo, rồi dành tiếp 10 năm để đi theo Hindu giáo và sau đó phật giáo. Sau cùng, anh ấy lựa chọn không theo bất kỳ một tôn giáo nào cả sau suốt gần 30 năm nghiên cứu, thực hành các tôn giáo lớn. Tuy nhiên, anh ấy là một người rất thông tuệ và có trí tuệ tâm linh sâu sắc.
Ngoài ra, điều quan trọng nhất mà bất kỳ một hình thức tôn giáo hay quan điểm tâm linh nào hướng tới, nếu không biến con người đó trở thành một người tốt, có lòng trắc ẩn với con người và vạn vật, thì đều trở nên vô nghĩa. Rút cuộc, trở thành một NGƯỜI TỐT chính là chân giá trị của mọi quan điểm. Bởi vậy, dù bạn có quan tâm tới chủ đề này hay không, hay bạn là một người có niềm tin vào khoa học thuần túy (chỉ tin vào các bằng chứng khoa học) thì không có sự khác biệt nào nếu bạn đều là người tốt. Người tốt ở góc độ Tốt với chính bản thể của bạn (be kind to yourself) và tốt với mọi người (be kind to everyone).
MH, 14.01.2022
Facebook Comments