Ba mình là một nhà khoa học nghiên cứu về cây rừng, hay còn gọi là Nhà lâm nghiệp. Công việc này có rất nhiều vinh quang, nhưng đổi lại rất vất vả. Ba thường xuyên phải đi rừng, gọi là thực địa, rồi tham gia trồng rừng, thử nghiệm khai thác nhựa thông, có khi còn phụ giúp dập lửa những đám cháy rừng do ai đó quên mất mà vứt tàn thuốc lá xuống thảm lá rụng. Đi rừng rất vất vả, bởi nguy cơ bị rắn cắn, ong đốt hay ngã,… vì rừng rất rậm rạp, chen chúc bên cạnh những cây gỗ mọc ở tầng cao như thông, keo, bạch đàn,… thì còn hàng loạt các cây bụi mọc ở tầng thấp như sim, mua, dẻ, dành dành,…
Hồi nhỏ mình cũng sống ở gần rừng. Nhà mình xây trong một khu vườn ăn trái xum xuê. Khoảng những năm 90s, mùa hè nắng nóng, rắn rết còn chui ra khỏi đất, bò vào trong nhà cho mát. Buổi trưa ngủ dậy, thấy rắn bò lổm ngổm ngoài sân mình đã gặp nhiều lần. Hồi học lớp 1, trên đường về nhà, tụi trẻ con bọn mình đi không để ý, có lần còn bước qua chỗ con rắn đang thu mình nằm. Nhà mình cũng nuôi gà đẻ trứng, ấp nở. Có đêm nghe gà mẹ kêu ầm ĩ, đoán là rắn chui vào chuồng gà ăn gà con. Ba lại lấy đèn pin soi đánh rắn, có hôm đánh được con rắn hổ mang chì đen thui, to như cổ tay của ba vậy. Có lần trèo cây hái quả, thấy mấy con rắn xanh vắt vẻo trên tán cây, rồi bọ xít tè vào mắt cay xè không mở ra nổi…
Vì tuổi thơ của mình rất gắn bó với thiên nhiên nên ong đốt cũng nhiều, bị bọ lét đốt cũng lắm. Sâu róm thì không thiếu trên giàn nho đầu hè… Và cũng vì thế mình hầu như không sợ bất kỳ con vật nào. Gặp rắn mình không sợ, gián lại càng không. Mùa hè đến, mỗi lúc bật điện sáng, sẽ có rất nhiều con vật bay vào nhà. Con mối khi bay vào nhà sẽ vây quanh bóng điện, nó có đặc điểm là sẽ rụng cánh và chết vào sáng hôm sau. Hình như mối chỉ sống được 1 ngày thì phải. Rồi đom đóm lập lòe đuôi đỏ nháy liên tục. Rồi bọ ngựa, chuồn chuồn, dế mèn, châu chấu. Đôi khi cả dơi nữa. Thi thoảng có chú bần bật lọt vào nhà. Tụi này luôn giả vờ chết và nằm bất động nếu mình chạm vào nó. Chị em mình thường bẻ lưng nó ra cho nó nằm ngửa thẳng trên sàn, rồi ngồi đợi tầm 5-10p nó sẽ bật lên rất cao để trở về tư thế ban đầu sau đó trốn chạy. Có lẽ vì vậy mà mình rất yêu thiên nhiên, yêu động vật, yêu công việc của ba và thích cả môn sinh học nữa.
Một lần, mình tìm thấy trong tập ảnh ba vừa rửa có một bức ảnh cây thông non, cao tầm 10-15cm đang mọc xanh om trên nền đất sỏi khô cằn. Thân cây khẳng khiu trơ trụi. Có lẽ ba chụp nó khi đi rừng. Bức ảnh đẹp một cách tinh tế. Trên mấy sợi lá kim nhỏ tí, còn đọng lại vài hạt sương sớm. Lá cây xanh một cách tinh khôi, tràn đầy sức sống nổi bật trên nền cát sỏi khô cằn của rừng. Một cách vô tình hay hữu ý, bức ảnh được bắt nét rất đẹp ở phần lá, phía sau nền đất mờ đi trông vô cùng nghệ thuật. Ba mình không giỏi về nhiếp ảnh. Chụp ảnh chỉ nhằm mục đích lấy dữ liệu phục vụ cho nghiên cứu. Có lẽ vô tình mà có được bức ảnh đẹp như vậy.
Mình đã lồng bức ảnh ấy trong một khung kính trong suốt và đặt ở bàn học. Ngày nào mình cũng ngắm nghía nó, cảm thấy khâm phục sức sống kì diệu của cây thông non. Sau này bức ảnh ấy luôn gắn bó với mình trong suốt chặng đường 4 năm học đại học, là người bạn tinh thần ủng hộ mình trong mọi biến cố. Trong một lần chuyển nhà, vô tình khung ảnh ấy bị bể, nên mình đã bị thất lạc bức ảnh đó. Mỗi lần có chuyện gì buồn, mình đều nghĩ đến bức ảnh và nghĩ đến Ba- người đã khơi gợi cho mình rất nhiều những tình cảm, tính cách, nhân cách tốt đẹp thời thơ ấu. Mình luôn có cảm giác Ba vẫn luôn dõi theo từng bước mình đi trong cuộc đời, dù đến nay Ba đã ra đi gần chục năm rồi.
Cuộc sống này, cũng giống như mảnh đất rừng, bề ngoài thì khô cằn sỏi đá, nhưng bên trong lại ôm ấp những mầm non, dùng khoáng chất giàu có của mình để nuôi dưỡng những mầm xanh một cách âm thầm và bền bỉ. Con người chúng ta cũng vậy, trải qua càng nhiều biến cố, khó khăn, thậm chí là rủi ro, càng làm giàu thêm cho tâm hồn và nhân cách.
Việc của lá là phải xanh. Việc của hoa là phải đỏ. Việc của chúng ta là phải sống mạnh mẽ như những mầm chồi!
SG, ngày 11.11.2017