TỰ DO TUYỆT ĐỐI

Mấy hôm nay, mình ngẫm nghĩ về chủ đề “Tự do tuyệt đối”. Khi nào thì con người đạt được tự do tuyệt đối đây!? Câu hỏi này mình đã nghĩ về nó nhiều lần, trong nhiều năm chứ không phải chỉ mấy hôm nay. Tuy nhiên, nhận thức về Tự do mỗi lần một khác biệt, tùy thuộc vào sự trưởng thành của mỗi thời kỳ.
Có câu danh ngôn “Tự do thực sự là khi bạn không con tìm kiếm dự do nữa” (true freedom is being free from the search for freedom).
Câu này mới thoáng nghe thì rất đúng. Điều gì bạn còn kiếm tìm về nó, tức là bạn chưa có nó. Hiểu đơn giản tương tự như khi bạn còn kiếm tìm một tình yêu, thì tức là bạn chưa có được tình yêu thực sự.
Thế nhưng rộng ra, ta sẽ thấy có sự mâu thuẫn. Có phải khi ta còn tìm kiếm, tức là ta chưa có không? Có phải khi ta có rồi thì ta sẽ thôi tìm kiếm không? Tại sao có người có tiền nhiều rồi họ vẫn không ngừng kiếm tiền? Và những người còn tiếp tục kiếm tiền đâu phải họ chưa có đầy đủ tiền bạc. Nói về tiền bạc, có người sẽ nói “tiền bạc là vật chất, tự do là tinh thần, lấy khái niệm hẹp thì khó mà áp dụng và bao trùm cho khái niệm rộng được”. Vậy, (1) nếu không phải là tiền mà là trí tuệ- một khái niệm lớn: Có phải trí tuệ thực sự có được khi chúng ta ngừng tìm kiếm trí tuệ? Và khi ta ngừng tìm kiếm trí tuệ tức là ta có trí tuệ không? Nghe có vẻ không đúng nữa. Và (2) có cách hiểu nào phổ quát để ta hiểu thực sự Tự do là gì không?
Chúng ta vẫn hiểu khi có nhiều tiền thì bạn tự do hơn, có phải vậy không? (tự do tiền bạc là khi kiếm tiền không còn cần thiết nữa, bạn kiếm tiền là do chọn lựa). Nhưng có người sẽ nói rằng bạn thực sự tự do khi bạn sống không cần tiền. Khi bạn còn phụ thuộc vào tiền để đem lại tiện nghi cho bạn, lựa chọn cho bạn, thì bạn còn chưa tự do, bất kể bạn có bao nhiêu tiền. Rộng ra, khi nào bạn còn phụ thuộc vào điều gì đó thì bạn vẫn còn mất tự do về điều ấy (đương nhiên điều này không tính đến các nhu cầu cơ bản như ăn, uống, ngủ nghỉ, hít thở vì đó là nhu cầu sự sống ở mức độ cơ bản nhất của tồn tại).
Như vậy, khi bạn không còn phụ thuộc, và rộng hơn là bám chấp vào điều gì đó, thì bạn đạt tự do với nó. Và từ “phụ thuộc” hay “bám chấp” nên hiểu là thái độ vượt quá “trung đạo” (neutrality). Ví dụ: khi bạn quá bám chấp, lệ thuộc vào tính lợi ích và thoải mái của tiền bạc thì bạn còn chưa tự do về tiền. Khi bạn còn bám chấp, lệ thuộc vào mối quan hệ với ai đó (bất kỳ ai) thì bạn còn chưa tự do trong mối quan hệ đó. Khi bạn còn bám chấp vào các quan điểm đạo đức, văn hóa, truyền thống thì bạn còn chưa tự do về tư tưởng (bất kể quan điểm đó là quan điểm gì). Khi bạn còn bám chấp và kiến thức, sách vở, hiểu biết, tranh luận, cãi vã, là bạn còn chưa tự do về trí tuệ (bất kể là chủ đề gì). Khi bạn còn bám chấp và lệ thuộc vào bất kỳ điều gì, sự kiện gì, hiện tượng gì bạn còn mất tự do với điều đó, sự kiện đó, hiện tượng đó.
Tại sao lại là trung đạo, là bởi vì dù bạn có lệ thuộc hoàn toàn hoặc phủ nhận hoàn toàn (hai cực của vấn đề) thì bạn còn chưa tự do. Bạn mất tự do ngay cả khi bạn yêu thương gắn bó tột cùng và cả khi bạn căm giận, phủ nhận, ghét bỏ tột cùng. Khi nào bạn còn giữ được sự cân bằng trung đạo thì bạn đạt tự do ở mức cao nhất. Hệt như một parabol có tâm trục chạy qua đỉnh. Bạn cần tìm ra tâm trục ấy bằng cách cân bằng mọi thứ.
Như vậy, tự do là một yếu tố động, tức là nó biến thiên và khác biệt giữa những người khác nhau, và bản thân nó cũng tự thay đổi trong mỗi con người ở các thời kỳ khác nhau trong cuộc sống của chính mình.
Một điều dễ dàng chúng ta vẫn thấy là những ai dễ sống, bỏ vào đâu cũng sống được, không cầu kỳ đòi hỏi lại chính là những người đạt được sự cân bằng (hay tự do) cao nhất. Xã hội xem những người ấy là “đẽo cày giữa đường”, “không có chính kiến” nhưng thực ra hai đối tượng này hoàn toàn khác nhau. Những người dễ sống (easy going) là những ngọn cỏ có sức sống mạnh mẽ, chúng rất nhất quán với con đường mình chọn là sống một cách mạnh mẽ và hiên ngang, có thể thích nghi bất kể hoàn cảnh. Còn những người đẽo cày giữa đường hay không có chính kiến là những kẻ thậm chí không có khả năng sống và tồn tại trong điều kiện tốt nhất vì luôn luôn chạy vòng quanh để tìm một nơi tốt hơn, rút cuộc chẳng thích nghi được với nơi nào.
Xã hội nhồi vào đầu chúng ta những kẻ “kén chọn”, “khó tính” và “đòi hỏi” là những kẻ “trên cơ” người khác vì thấy mình “xứng đáng” với đòi hỏi cao hơn, được đối đãi tử tế hơn, được chọn lựa những điều tốt nhất. Kỳ thật, đó là lại những kẻ mất tự do nhất, thiếu khả năng tồn tại nhất và yếu đuối nhất. Tuy vậy, xã hội “thực dụng” thời kỳ “vật chất hóa” và “trọng tiền” đang ngày càng tạo ra nhiều các cá thể yếu đuối, thiếu khả năng tồn tại và lệ thuộc vào sự tiện nghi đến mức không còn chút tự do nào.
Điều này giải thích vì sao nhiều vị lãnh tụ tinh thần khi tìm ra tự do thực sự của mình, họ mất “tính cạnh tranh” với cuộc sống của con người xã hội. Bởi vì xã hội sẽ luôn còn tồn tại hai thái cực trong khi người tự do luôn có thái độ trung đạo. Vì thế, nhiều người đã từ bỏ cuộc sống của các mối quan hệ xã hội, bởi vì xã hội không cho họ tự do mà là nơi cầm tù họ về mọi thứ. Họ tìm tới nơi chỉ có họ với thiên nhiên để sống những tháng ngày thênh thang tự do và hòa mình vào thiên nhiên.
Một lần nữa, vấn đề lại rơi vào trạng thái vượt quá trung đạo, nếu những người ấy bám chấp vào sự tự do của mình hay nhận thức tự do của mình để trốn tránh trách nhiệm cá nhân trong mối quan hệ với xã hội và các mối quan hệ khác. Bởi vậy, tự do tuyệt đối không phải là khi nhận thức được tính tuyệt đối của tự do, mà là khi nhận thức ấy đạt được nhưng không làm con người ấy xa rời khỏi trách nhiệm cuộc sống của họ với cộng đồng và cá nhân nhận thức được tự do dùng nhận thức ấy sống cuộc đời tự do và “nhân bản” sự nhận thức tự do trong xã hội để giúp đỡ những người đang cần giúp. Và đôi khi đơn giản hơn, họ không cần giúp ai, mà họ chỉ cần quay trở lại từ đỉnh núi “giác ngộ” hay “khai sáng” ấy để sống “cuộc đời tầm thường” của chính mình một cách hiên ngang và mạnh mẽ!
HM, 17.11.2021
Facebook Comments